Giá trị cuộc sống của mỗi con người đều do chính chúng ta quyết định, cũng giống như chú tiểu do dự khi mang một hòn đá không có giá đi bán.
Chào mừng các bạn đang đến với Chuyên mục Câu chuyện cuộc sống trên Blog Nghề Nghiệp. Tôi là Thành HR sẽ đồng hành cùng bạn trong hành trình này. Và hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau đọc câu chuyện Giá trị của cuộc sống.
Đi tìm giá trị cuộc sống
Có một chú tiểu khá thông minh, chú luôn đặt những câu hỏi xung quanh cuộc sống. Một ngày nọ, chú hỏi sư thầy của mình:
- Thưa thầy, giá trị cuộc sống của một con người là gì ạ? Con hỏi vậy vì thường ngày thấy mọi người lên chùa đều cầu mong cuộc sống có giá trị.
Người thầy đi vào phòng rồi mang ra cho chú tiểu một hòn đá xấu xí và bảo:
- Con hãy mang hòn đá này ra chợ bán và hãy nhớ là dù có ai mua thì cũng không được bán và mang về cho ta.- Tại sao lại phải vậy thưa sư phụ?
- Nếu con muốn biết giá trị cuộc sống là gì thì hãy làm như ta bảo.
Vì sự tò mò nên chú tiểu đã làm theo. Chú mang hòn đá ra chợ ngồi bán và trong suy nghĩ thì không hiểu tại sao nó lại liên quan đến giá trị của cuộc sống.
Chú ngồi bán hòn đá ở chợ cả ngày mà không hề có ai hỏi, mọi người còn thấy làm kỳ lạ không hiểu tại sao chú lại ngồi bán một hòn đá xấu xí mà không có giá trị gì. Ngồi cả một ngày, một người bán rong thấy vậy thương tình đã đến hỏi và trả giá hòn đá 1 đô la. Chú tiểu nhớ lời sư phụ dặn dù bất kỳ ai hỏi mua cũng không được bán. Mang hòn đá về, chú hỏi sư phụ:
- Hòn đá này có gì đặc biệt mà thầy lại bảo con mang bán. Cũng may đã có người hỏi mua với giá 1 đô la. Vậy giá trị cuộc sống là gì thưa thầy?
Sư thầy cười và nói:
- Tốt lắm, ngày mai con hãy mang hòn đá vào cửa hàng bán vàng và bán cho chủ cửa hàng vàng, nhớ là dù chủ cửa hàng vàng có mua thì cũng không được bán, rồi còn sẽ hiểu thế nào là giá trị cuộc sống.
Vì tò mò, chú tiểu lại làm theo lời sư thầy. Hôm sau, chú mang hòn đá đi vào một cửa hàng vàng, vừa đi vừa nghĩ, tại sao sư phụ lại bảo mình mang hòn đá này vào bán trong cửa hàng vàng trong khi cả ngày qua chú ngồi ngoài chợ bán mà không ai mua, dù mua cũng không đáng giá. Dù rất ái ngại nhưng vì tò mò nên chú quyết định làm theo lời sư phụ.
Và thật bất ngờ, khi chú mang vào bán trong một cửa hàng vàng, chủ tiệm đã trả giá hòn đá là 500 đô la. Rất bất ngờ vì một hòn đá qua một ngày từ chỗ bán không ai mua giờ lại có giá như vậy, nhớ lời sư phụ dặn chú tiểu đã không bán và mang về.
Chú vội vàng hỏi tại sao lại như vậy và giá trị cuộc sống là gì mà tại sao một hòn đá từ không giá trị qua một ngày lại có giá trị rất lớn như vậy.
Sư phụ cười và nói:
- Nếu con muốn hiểu giá trị cuộc sống là gì thì ngày mai con hãy mang hòn đá này tới một tiệm đồ cổ và bán, nhớ là dù với bất kỳ giá nào thì con cũng không được bán và mang về cho ta. Con sẽ hiểu giá trị cuộc sống là gì.
Chú tiểu càng tò mò hơn. Hôm sau, chú mang hòn đá tới một tiệm đồ cổ. Sau một hồi xem xét thì chú tiểu vô cùng ngạc nhiên khi chủ hiệu trả giá hòn đá là cả gia sản hiện có. Chú nhất quyết không bán và vội về kể lại với sư phụ:
- Vậy hòn đá này là gì, mà từ một thứ không giá trị không ai mua giờ nó có giá cả một gia tài.
- Đó chính là giá trị cuộc sống - Sư thầy nói.
Giá trị cuộc sống của mỗi con người đều do chính chúng ta quyết định, cũng giống như chú tiểu do dự khi mang một hòn đá không có giá đi bán. Giá trị cuộc sống là do chính chúng ta tạo dựng và đặt ra. Vậy hãy tự đặt mình vào nơi mà mọi người hiểu ta và đó là nơi giá trị sống được tôn trọng.
Cuộc sống ở trong tất cả mọi sự việc, từ những điều to lớn cho đến điều đơn giản, thậm chí là ở trong những điều mà chúng ta không hề quan tâm đến. Cuộc sống luôn "nói chuyện" với chúng ta thông qua những điều giản dị nhất và không ngờ đến nhất. Đừng bỏ lỡ bất kỳ khoảnh khắc nào trong cuộc sống của bạn!
Giá trị của sự chờ đợi
Một hôm, gia đình nhà rùa quyết định sẽ đi picnic. Với bản tính chậm chạp của mình, chúng mất bảy năm để chuẩn bị mọi thứ và lên đường. Mất thêm hai năm nữa để tìm ra một chỗ cắm trại. Rồi thêm sáu tháng để dọn dẹp và bày biện các thứ.
Nhưng rồi gia đình rùa phát hiện ra rằng chúng đã quên mang theo muối. "Một chuyến picnic mà không có muối thì chẳng còn gì là thú vị", gia đình nhà rùa đồng ý với nhau như vậy.
Sau hơn một tháng tranh cãi, cuối cùng một chú rùa trẻ nhất, nhanh nhẹn nhất được giao nhiệm vụ quay về nhà lấy muối. Vừa nghe vậy, chú rùa được chọn đã bật khóc, run rẩy thân hình trong chiếc mai, giãy nảy từ chối.
Rốt cuộc, với sự thuyết phục của cả nhà nó cũng đồng ý đi về nhà lấy muối với một điều kiện: gia đình rùa không được phép ăn bất cứ thứ gì trước khi nó quay trở lại. Họ nhà rùa đành phải đồng ý và con rùa nọ bắt đầu lên đường.
Nhưng sau đó, đã ba năm trôi qua mà con rùa nọ vẫn chưa quay lại. Rồi năm năm… Chín năm… Rồi mười bảy năm…
Cuối cùng Rùa Bô Lão không thể nhịn đói được nữa bèn cắn một miếng bánh sandwich cho đỡ đói. Đúng lúc đó, chú rùa vắng mặt mười bảy năm qua đột ngột thò đầu ra từ một lùm cây, hét lên the thé: “Đó… đó… tôi biết mà! Tôi biết là mọi người sẽ không đợi mà sẽ ăn trước khi tôi quay lại mà. Thôi thôi, tôi không đi lấy muối nữa đâu…”
Câu chuyện hài hước trên đây là một bài học rất sâu sắc và ý nghĩa về sự chờ đợi. Đồng thời câu chuyện khiến ta suy nghĩ lại rất nhiều về những gì mình lựa chọn và cho rằng nó quan trọng. Rất nhiều người trong chúng ta lãng phí thời gian để chờ đợi người khác thực hiện những điều mà chúng ta mong đợi. Rồi chúng ta quá lo lắng về những gì người khác đang làm đến nỗi không tự làm gì cho chính bản thân mình.
Bạn có giống con rùa trong truyện này không?Lãng phí thời gian và làm những chuyện ngốc nghếch vì thiếu sự tin tưởng? Có những công việc rất nhỏ và đơn giản. Nhưng mỗi cá nhân là một mắt xích trong tập thể, đừng bao giờ để cả guồng máy phải chậm lại chỉ vì bạn không vui lòng làm nhiệm vụ của mình nhé!
(st)