Câu chuyện người làm công ăn lương

Theo mình, dù công việc bạn đang làm là gì, thu nhập bao nhiêu, khi bạn đã chọn thì hãy làm tốt nó. Đồng thời, phải cố gắng hôm nay phải tốt hơn hôm qua một chút.

Số đông chúng ta đi làm công và nhận lương hàng tháng; Có người chỉ đủ ăn đủ mặc, có người vẫn thiếu đầu hụt đuôi; Cũng có người vẫn giàu lên từ nó chứ không hẵn chỉ làm chủ mới giàu. Tất nhiên, khái niệm giàu ở đây mang tính tương đối.

Chủ đề về Người đi làm công ăn lương thì rộng lắm, nên hôm nay mình chỉ muốn gửi đến các bạn hai câu chuyện mà mình khá thích được sưu tầm từ internet. Câu chuyện đầu tiên nói về sự tích lũy khi đi làm; Câu chuyện thứ hai nói về sự trách nhiệm đối với công việc mình làm. Hy vọng hai câu chuyện sẽ mang đến cho các bạn thêm một góc nhìn mới về hành trình đi làm công ăn lương của mình.

Tích tiểu thành đại

Ngày xửa, ngày xưa...

Có hai vị hoà thượng ở hai ngôi chùa trên hai ngọn núi khá gần nhau. Giữa hai ngọn núi có một con sông rất đẹp và có nước đầy đủ quanh năm, trong veo, mát lành. Mỗi ngày, họ đều cùng một lúc xuống núi ra bờ sông gánh nước, gặp nhau lâu ngày họ trở thành bạn bè khá thân thiết. 

Tuy nhiên, hai người lại có hai tính cách hơi khác nhau. Vị hòa thượng ở ngọn núi bên trái luôn cố gắng gánh đầy nhất có thể trong mỗi lần. Còn vị kia thì ngược lại, chỉ lấy đủ dùng cho một ngày hôm đó. Vị hoà thường ở núi bên trái lấy làm thắc mắc, thì vị kia trả lời rằng: Vì con sông có cạn đâu, mai ta lại đi lấy tiếp cũng được mà.

Thấm thoát mười năm trôi qua, bỗng một hôm vị hoà thượng ở ngọn núi bên trái không xuống gánh nước nữa. Vị hoà thượng ở ngọn núi bên phải nghĩ bụng: “Có lẽ ông ta ngủ quá giờ”, nên trong lòng cũng chẳng để ý lắm và lấy nước đi về như thường nhật. 

Nhưng không ngờ, qua ngày hôm sau vị hòa thượng ở núi bên trái vẫn không xuống núi gánh nước. Một ngày, hai ngày, rồi một tuần trôi qua, vị hoà thượng bên ngọn núi phải nghĩ bụng: “Bạn ta có lẽ bị bệnh rồi, ta nên đến thăm, xem có thể giúp được gì không.”

Ông vượt qua hết ngọn núi bên kia và cũng tới nơi. Nhưng khi đến thăm người bạn già nhiều năm của mình, ông ta thật kinh ngạc vì không giống như những gì ông tưởng tượng ra mấy ngày nay. 

Người bạn già của ông đang tập thái cực quyền trước chùa rất khoan dung và thư thái, chẳng giống dáng vẻ của một người cả tuần chưa uống nước chút nào. Ông ta thấy làm lạ bèn hỏi thăm: “Đã một tuần rồi ông không xuống núi gánh nước, lẽ nào ông không cần uống nước à?”

Người bạn dẫn ông ta đi tham quan nơi ở và tu tập của mình, rồi dẫn ra sân sau của chùa. Ông chỉ vào một cái giếng nước và nói: “Hơn mười năm đi lấy nước, mỗi ngày sau khi làm xong thời khoá, tôi đều dành thời gian đào cái giếng này, mặc dù nhiều lúc rất bận, nhưng có thể đào được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. 

Và thật may mắn là nay tôi đã đào đã đến mạch nước, tôi không cần phải xuống núi gánh nước nữa”. Vị hòa thượng kia bỗng nghĩ về một ngày hạn hán hoặc sức khỏe không còn đủ để gánh nước.

Qua câu chuyện trên, mình thấy nhiều người đi làm (không phải là số đông) thì dù lương cao hay lương thấp, họ vẫn chi tiêu rất thoải mái mà không biết được là mình đang có bao nhiêu tiền và có đủ đến kỳ nhận lương tiếp theo hay không. Mà lỡ có thiếu thì mượn rồi lãnh lương trả lại cũng chả sao. Họ không có thói quen tích luỹ một ít, vì họ còn đi làm ra tiền mà.

Suy nghĩ này không hề sai tí nào, chỉ là chưa đủ thôi. Vì chắc chắn sẽ có những sự cố bất ngờ trong cuộc sống mà họ chưa lường trước. Chỉ ví dụ đơn giản là nếu vô tình ngày mai bạn mất việc làm, không còn khoản thu nhập cố định thì sẽ xoay sở thế nào?

Theo mình, dù công việc bạn đang làm là gì, thu nhập bao nhiêu, khi bạn đã chọn thì hãy làm tốt nó. Đồng thời, phải cố gắng hôm nay phải tốt hơn hôm qua một chút. Hãy luôn biết tích lũy: bao gồm tài chính, kinh nghiệm và trải nghiệm cho những bước tiến xa hơn trong công việc và cả cuộc sống. Đừng để rơi vào tình huống như câu chuyện trên.

Người thợ xây

Có một người thợ xây nọ đã làm việc rất chuyên cần, trách nhiệm và luôn hoàn thành tốt công việc trong nhiều năm cho một hãng thầu xây dựng. Một ngày kia, ông ngỏ ý với hãng muốn xin nghỉ việc về hưu để vui thú với gia đình. Hãng thầu rất tiếc khi thiếu đi một người thợ giỏi đã tận tụy nhiều năm. Hãng đề nghị ông cố gắng ở lại giúp hãng xây một căn nhà trước khi thôi việc. Ông ta nhận lời.

Vì biết mình sẽ giải nghệ, cùng với sự miễn cưỡng, ông ta làm việc một cách tắc trách qua quít, xây dựng căn nhà với những vật liệu tầm thường, kém chọn lọc, miễn có một bề ngoài đẹp đẽ mà thôi. Mấy tháng sau, căn nhà cũng đã hoàn thành. 

Người chủ hãng mời ông đến, trao cho ông chiếc chìa khóa của ngôi nhà và nói: “Ông đã gắn bó và làm việc rất tận tụy với hãng trong nhiều năm, để tưởng thưởng về sự đóng góp của ông cho sự thịnh vượng của hãng, chúng tôi xin tặng ông ngôi nhà vừa xây xong!”

Thật là bàng hoàng. Nếu người thợ biết mình sẽ xây cất căn nhà cho chính mình thì hẳn ông ta đã làm việc cẩn thận hơn và chọn lựa những vật liệu có phẩm chất hơn. Sự làm việc tắc trách chỉ có mình ông biết và nay thì ông phải sống với căn nhà mà ông biết rõ là kém phẩm chất như thế nào. Hãy xây dựng đời mình một cách đúng đắn!

Qua câu chuyện trên, làm mình nhớ lại một câu nói khá hay: Nếu bạn đã chọn đi làm công ăn lương, thì ngày bạn bắt đầu một công việc như thế nào, thì hãy kết thúc nó như vậy. Bạn hãy nhớ lại xem, ngày đầu đi làm của mình bao giờ cũng háo hức, kỳ vọng vào một môi trường làm việc tốt, đồng nghiệp thân thiện, thu nhập xứng đáng...Nhưng thường khi kết thúc sẽ không được như vậy.

Sẽ có những phát sinh trong công việc, có những thứ bạn không hài lòng nữa...Tuy nhiên, đừng vì thế mà bạn lại nghỉ việc một cách thiếu trách nhiệm, để lại một đống hỗn loạn cho người ở lại. Vì biết đâu, khi bạn qua công ty mới cũng phải dọn một đống rác của người trước ra đi như bạn. Cuộc sống là một vòng tròn khép kín mà đúng không?

Tất nhiên là mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi trường hợp khác nhau. Và không phải công ty nào cũng coi trọng người lao động; Cho nên, ý mình muốn nhấn mạnh là hãy cố gắng kết thúc tốt đẹp nhất có thể tùy tình huống. Còn khi đã chọn đi làm, dù bạn đi làm 1 tháng, 1 năm hay dài hơn thì hãy luôn giữ lửa đam mê, tinh thần trách nhiệm cho đến ngày cuối cùng bạn nhé!

(st)

Previous Post Next Post