Nhà là nơi để về

Nhà – Đơn giản là nơi có bữa cơm của mẹ, có kỷ niệm của cha. Là nơi để trở về sau những chán chường, mệt mỏi.

Nhà là nơi để về


Chào mừng các bạn đang đến với Chuyên mục Câu chuyện cuộc sống trên Blog Nghề Nghiệp. Tôi là Thành HR sẽ đồng hành cùng bạn trong hành trình này. Và hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau đọc những mẫu chuyện về Gia đình.

Gia đình là nơi gieo hạt giống tâm hồn cho mỗi con người, giúp cho mỗi chúng ta sống tốt đẹp hơn. Gia đình luôn là điểm tựa vững chải cho cuộc đời khi ta cảm thấy mình chơi vơi, là chốn bình yên khi ta phiền muộn, là sự cảm thông chia sẻ mỗi khi ta lỗi lầm.

Những câu nói hay về gia đình

Khi cha mẹ còn sống, anh em chúng ta là một gia đình. Khi cha mẹ qua đời, chúng ta chỉ là người thân...

Mỗi người mẹ là một miền vô lý. Trong nhà, cái gì không tìm được thì hỏi mẹ. Nếu mẹ tìm nó không ra thì chắc chắn là nó không còn trong nhà. Trong nhà, mẹ là người chuyên gia so sánh con mình với con nhà người ta. Nhưng đi ra ngoài gặp con nhà người ta, mẹ lại chỉ khen con mình.

Tiền có thể mua được một ngôi nhà. Nhưng không thể mua được một tổ ấm.

Người ta có rất nhiều nơi để đến, nhưng chỉ có một chốn để quay về. Gia đình - đó là nơi bình yên và an toàn nhất trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Cho dù mọi thứ có quay lưng lại với ta thì có một thứ mãi mãi không hề thay đổi vẫn lặng thầm đi bên ta, vẫn dang tay đón ta trở về. Gia đình chính là nơi ta tìm về khi mệt nhoài trên con đường đời đầy rẫy chông gai...

Nhà – Đơn giản là nơi có bữa cơm của mẹ, có kỷ niệm của cha. Là nơi để trở về sau những chán chường, mệt mỏi. Đó cũng là nơi để mỗi người trẻ biết trân quý hơn niềm hạnh phúc giản đơn mỗi ngày.

Con trượt rồi bố ạ

Hương không dám nhìn thẳng vào khuôn mặt của bố. Nó cắm đầu đi vào nhà. Ngang qua chỗ mẹ nằm, nghe những tiếng thở khò khè khó nhọc, nó không cầm được nước mắt. Bữa cơm tối dọn ra nhưng bố con nó chưa ăn vội. Từ ngày mẹ bị bệnh, mâm cơm nhà nó bao giờ cũng chỉ có hai người. Bố bón cho mẹ bát cháo xong rồi hai bố con mới ăn.

Bữa cơm tối nay có cá kho, bố đánh dưới ao lên nhưng nó ăn không thấy ngon. Hình như bố cũng vậy.

Không đỗ thì ôn tiếp. Con đừng buồn, nhìn con buồn bố nản lắm - Nó quay lại nhìn bố với đôi mắt ướt:

Con hết buồn rồi, bố đừng lo.

Đêm, nó trằn trọc không ngủ được. Khó khăn lắm, mẹ mới chợp mắt nên nó không muốn tiếng trở mình của nó làm mẹ thức giấc. Nó sờ tay lên tường, mảng tường đã bong tróc chỗ lồi, chỗ lõm khiến bàn tay nó ram ráp. Nó nghĩ đến giấc mơ dở dang của mình…

Nhưng nếu nó đi học thì bố mẹ sẽ thế nào đây? Bố lấy đâu ra tiền để vừa lo thuốc thang cho mẹ lại vừa lo cho nó học đại học. Bác sĩ đã bảo bệnh của mẹ sẽ khỏi nếu kiên trì chữa trị. Mẹ đã hy sinh rất nhiều cho nó. Nó không muốn mẹ phải hy sinh cả sự sống của mình chỉ để cho nó được học đại học. Với nó, mạng sống của mẹ quan trọng hơn tất cả mọi thứ trên đời.

Bố à, chắc sang tháng sau con lên phụ giúp dì Hoa bán hàng cho… đỡ buồn. Nó nhìn bố thăm dò. Thực ra là nó đang nói tránh cái điều mà nó nghĩ: Phải đi làm để có tiền đỡ đần cho bố. 

Sau một hồi suy nghĩ, bố đặt tay lên vai nó, giọng chùng xuống: Cũng được con ạ.

Nó lên phố bán hàng, bỏ lại phía sau những nỗi niềm và những giọt nước mắt. Cửa hàng của dì nó ở vị trí trung tâm thành phố, lại là đại lý lớn nên rất đông khách. Bận bịu với việc bán hàng, nó cũng quên đi nỗi buồn. Tiền ăn ở dì lo, còn tiền công tháng dì bảo nó gửi về quê cho bố mẹ. Cầm những đồng tiền đầu tiên kiếm được, nó thấy quyết định của nó thật có ý nghĩa, nhất là khi gọi điện về thấy bố khoe:

- Bệnh của mẹ tiến triển nhiều rồi con ạ.

Rồi một ngày, bố đột ngột xuất hiện ở cửa hàng với khuôn mặt của một người đang cố chịu đựng:

- Tại sao con lại nói dối bố?

Bố dằn từng tiếng một rồi chìa tờ giấy báo điểm đậu đại học mà nó đã cố giấu. Nó nhìn thấy trong mắt bố là cả một sự kiềm nén ghê gớm, nên câu trả lời của nó cũng trở nên đứt quãng:

- Con… xin lỗi bố… nhưng bố ơi, làm thế nào mà con có thể đi học được khi mẹ đang bệnh? Làm thế nào mà con có thể để bố một mình vật lộn để vừa chăm mẹ vừa nuôi con học đại học. Con rất mong được vào đại học, nhưng lúc này con cần phải làm những việc quan trọng hơn. Đợi đến khi mẹ khỏi bệnh con sẽ lại học tiếp, con sẽ vào đại học bố ạ, chỉ là đi sau các bạn vài bước thôi.

Lần đầu tiên trong đời, nó nhìn thấy bố khóc, đôi mắt ầng ậc nước.

Nếp nhà

Gia đình nó có tới bảy anh chị em, bố là nhà giáo mẫu mực, gà trống nuôi con mười mấy năm nay. Mặc dù nhà nghèo rớt mồng tơi, bữa rau bữa cháo qua ngày nhưng nhà nó không ai thất học. Đứa nào cũng vào đại học với sự tự hào của cả dòng họ. Nhưng cứ thêm một đứa vào đại học là tóc bố lại bạc nhiều hơn. Gánh nặng đè lại vai bố, nợ chồng lên nợ vì những đứa con đi học xa nhà nhưng bố nào có một lời thở than.

Những đứa con hiếu thảo cũng rất hiểu hoàn cảnh gia đình nên ai cũng cố gắng học, cố gắng thành tài. Rồi anh chị em ra trường, lập nghiệp và có gia đình tại chốn Sài Gòn phồn hoa. Nhưng ai cũng phải lo cho tổ ấm riêng của mình, mỗi năm mới về Bắc thăm bố được một lần.

Mỗi lần như thế, nó lại thấy chạnh lòng khi thấy bố mình vẫn sống cuộc sống trong căn nhà gỗ đơn sơ. Tết năm đó, nó dặn lòng năm nay xây nhà mới trong Sài Gòn sẽ thiết kế một phòng riêng cho bố, phía trước là phòng đọc báo, để bố mỗi buổi sáng đọc tin tức và hút thuốc lào.

Rồi ngày đó cũng đã đến, căn nhà đã hoàn tất, chuẩn bị mọi thứ xong xuôi để đón bố vào đoàn tụ gia đình, vé đã đặt cho chuyến bay chiều nay. Nhưng đó là chuyến đi định mệnh, người bác ở ngoài quê gọi điện thoại báo là bố vừa qua đời. Nó gạt nước mắt về đeo tang bố. Ngày đưa bố về nơi an nghỉ cuối cùng, nó khóc tức tưởi: " Đời bố sao mà khổ thế, chưa có một ngày ăn sung mặc sướng, đến ngày các con chuẩn bị đền đáp ơn sinh thành thì bố đã bỏ chúng con đi xa...bố ơi..."

Cuộc đời là thế, đừng đợi đến khi đủ mới nghĩ đến việc đền đáp yêu thương...thì có thể đã quá muộn.

Khi cha già đi

Hai cha con ngồi đọc báo trong vườn, người cha ngoài 70 tuổi, trông có vẻ hơi chậm chạp, mắt ông nhìn quanh khu vườn trong khi con trai ông khoảng 30 tuổi đang chăm chú đọc báo… Bỗng có một con chim sẻ đậu trên cành cây gần nơi 2 người đang ngồi.

Người cha cất tiếng hỏi con: “Con gì vậy con?”

Người con liếc mắt trả lời: “Con chim sẻ ba ạ”. Xong lại đọc tiếp tờ báo.

Con chim sẻ tiếp tục chuyền cành. Người cha lại hỏi: "Con gì thế con?"

Người con liếc mắt trả lời: “Vẫn là con chim sẻ ba ạ…”

Con chim bay lên tán cây, lần này ông bố lại hỏi: “Con gì thế con?”

Lần này, người con bực mình, đứng bật dậy và hét lên: “Con chim sẻ, chim sẻ, chim sẻ… ba có nghe không???”

Người cha lẳng lặng đứng lên và đi vào trong nhà…mang ra một cuốn nhật ký nhỏ, nhẹ nhàng lật từng trang và đưa cho người con đọc: ”Ngày… tháng… hai cha con đi chơi trong công viên, lúc ấy con 4 tuổi, lần đầu tiên con nhìn thấy chim sẻ và con đã hỏi: ‘Ba ơi, con gì thế?’, ba đã trả lời cho con rằng: ‘Đó là một con chim sẻ, con yêu ạ’.

Hôm ấy, vì không nhớ tên con chim mà con đã hỏi ba tổng cộng 21 lần, 21 lần ba đều nhẹ nhàng trả lời câu hỏi của con… Mỗi lần trả lời, ba lại ôm đứa con ngây thơ, bé bỏng vào lòng và cười hạnh phúc…”

Đọc xong người con òa khóc và ôm lấy ba: “Ba ơi, con xin lỗi… con xin lỗi…”

Dù có bận rộn đến đâu, chúng ta hãy dành tặng và thể hiện lòng yêu thương, sự quan tâm đến những người thân yêu nhất. Hạnh phúc rất bình dị, rất gần và sẽ luôn mỉm cười với những ai hiểu được giá trị, biết trân trọng và giữ gìn nó. Hãy sống trung thực và trải lòng với mọi người, biết yêu thương và nhân hậu, hăng say lao động - cuộc sống sẽ mang đến cho chúng ta tất cả.

Tổng hợp và phóng tác

Hãy ủng hộ tác giả bằng cách đăng ký kênh Youtube và Fanpage FB với từ khóa HRVN ACADEMY. Trân trọng

Hrvnacademy

Tôi là Thành HR - Follow mình để nhận bài học mới nhất nha. facebook

Post a Comment

Cám ơn phản hồi của bạn. Chúc bạn một ngày tốt lành và thường xuyên dành thời gian ghé thăm Blog mình nha!

Previous Post Next Post