Nghề nghiệp (Occupation) là gì? Nghề nào là nghề cao quý?

Mỗi nghề nghiệp trong xã hội đều đáng được trân trọng, chỉ cần đó là một nghề chân chính và tạo ra thu nhập cho bản thân, và ít nhiều có giá trị với cộng đồng.

Nghề nghiệp (Occupation) là gì

Chào mừng các bạn đang đến với series các bài viết trong chuyên mục Định hướng Nghề nghiệp. Tôi là Thành HR sẽ đồng hành cùng bạn trong khoá học này. Và chủ đề mà chúng ta cùng nhau tìm hiểu ngày hôm nay là Nghề nghiệp (Occupation) là gì? Nghề nào là nghề cao quý?

Mình còn nhớ đã từng chia sẻ trong bài viết Những mẫu chuyện ý nghĩa cho cuộc sống một mẫu chuyện ngắn Nghề của bố mà mình sưu tầm được. Mình trích dẫn lại để cùng tham khảo nhé!

Ngày xưa, khi có ai hỏi con: Bố làm nghề gì? Bố thấy con không vui và không bao giờ chịu trả lời là bố làm nghề thợ hồ. Bố cố gắng làm việc nhiều hơn để nuôi con ăn học và mong sau này con có được 1 nghề mà mọi người nể trọng trong xã hội.

Con thành đạt rồi lấy chồng. Mỗi lần khách đến chơi, câu đầu tiên bố thường nghe con khoe là "Ông xã em làm luật sư nên lúc nào cũng bận". Bố buồn, chỉ ao ước được 1 lần nghe con khoe về nghề của bố.

Câu chuyện rất ngắn, nhưng chắc bạn đã từng thấy đâu đó trong thực tế cuộc sống xung quanh chúng ta. Và nếu bạn đã từng như cô gái kia, có thể khi đọc câu chuyện này, bạn sẽ có chút chạnh lòng đúng không? Vậy thì nghề nghiệp (Occupation) là gì? Nghề nào là nghề đáng để chúng ta tự hào đem khoe với mọi người? Lao động chân tay không được xem là nghề nghiệp hay sao? Mình cùng nhau trao đổi cởi mở trong chủ đề ngày hôm nay bạn nhé!

Nghề nghiệp (Occupation) là gì?

Không có một định nghĩa hoàn toàn chuẩn xác về hai từ Nghề nghiệp, nhưng mình có thể hiểu nôm na rằng: Nghề nghiệp là khái niệm để nói về một công việc mà một người chọn trong phạm vi kiến thức, năng lực và kinh nghiệm của họ để làm và kiếm được một khoản thu nhập; Bên cạnh đó, nghề nghiệp còn giúp chúng ta thể hiện và khẳng định giá trị bản thân.

Nghề hay gắn với "nghiệp" gọi chung là Nghề nghiệp. Chúng ta hay nghe câu Nghề nào nghiệp đó; Như một cách nói vui về cái duyên chúng ta đến và gắn bó với nghề lúc nào không hay, nhiều lần muốn buông bỏ nhưng không được. Và theo mình, một công việc được gọi là Nghề nghiệp một cách chính thống thì nó phải hợp pháp nữa thì sẽ đầy đủ hơn.

Mỗi nghề nghiệp đều có một sứ mệnh riêng của nó. Ví dụ về những nghề quen thuộc như Giáo viên với sứ mệnh đào tạo những thế hệ tương lai cho đất nước, không thành danh cũng phải thành người; Nghề Bác sĩ được gắn với một tôn chỉ quen thuộc - Lương y như từ mẫu, với sứ mệnh cứu chữa cho người bệnh không phân biệt sang hèn, giàu nghèo...

Sứ mệnh nghề nghiệp có thể xem là kim chỉ nam để mỗi chúng ta, khi đã chọn hay thậm chí là chấp nhận xem đó là nghề nghiệp của mình thì phải luôn cố gắng, nỗ lực để hoàn thành tốt nhất công việc của mình, mang lại giá trị cao nhất từ sức lao động bao gồm cả bằng chân tay hay trí óc.

Nghề nào là nghề cao quý?

Quay trở lại câu chuyện mà mình đã chia sẽ lúc mở đầu bài viết, câu hỏi đặt ra là tại sao cô gái lại không muốn nhắc đến nghề nghiệp của bố mình - Nghề thợ hồ; Và ngược lại, cô luôn luôn khoe chồng mình làm Luật sư với bất kỳ ai khi có cơ hội? Vậy có phải Luật sư là nghề cao quý hơn nghề thợ hồ chăng?

Không có nghề cao quý, chỉ có con người cao quý. Không có kiếm pháp vô địch, chỉ có con người vô địch - Đây là câu nói khá nổi tiếng trích từ cuốn sách Ngũ Luân Thư của ông Miyamoto Musashi. Ông là một kiếm sĩ bậc thầy, nhà triết học võ thuật người Nhật Bản. 

Đôi khi chúng ta hay nghe đến khái niệm Nghề cao quý được các báo hay sử dụng vào những dịp đặc biệt nào đó; Chẳng hạn như vào ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, một bài báo ca ngợi về những người giáo viên đã chấp nhận lên các vùng sâu vùng xa để mang từng con chữ đến các bản làng xa xôi hẻo lánh...

Hay câu chuyện các cô chú lao công quét đường phải làm việc, dọn dẹp vệ sinh vào khung giờ mà mọi người đang ở nhà tận hưởng giấc ngủ ngon, để mỗi sáng trên đường đến công ty thì mọi người được đi trên một con đường sạch đẹp. Thì lúc này, khái niệm Nghề cao quý không có gì sai cả, vì nó được đặt vào một ngữ cảnh cụ thể.

Nhưng thực tế trong cuộc sống, các công việc tay chân và có thu nhập thấp thường sẽ ít được xem là đáng tự hào, mà đôi khi ngay cả chúng ta khi nhắc đến nghề nghiệp của mình cũng vậy. Trong một buổi họp lớp, khi mọi người gặp lại nhau sẽ thường hỏi dạo này làm gì rồi? Lương lậu ngon lành không?...Thì những người làm quản lý, giám đốc hay bác sĩ kỹ sư sẽ thường tự tin để khoe với mọi người hơn; Còn nếu bạn chỉ làm công nhân thì có thể cũng chỉ trả lời nho nhỏ: Ờ, mình làm công nhân à hoặc là chỉ nói chung chung qua loa cho xong.

Mình còn nhớ trong phần mở đầu cuốn sách Đúng việc của Giản Tư Trung có trích dẫn một lời hiệu triệu nổi tiếng trong thời chiến tranh trên tấm điêu khắc ở một quãng trường thủ đô London: Nước Anh mong muốn mỗi người sẽ làm tròn công việc / bổn phận của mình (England expects that every man will do his duty). Và nó vẫn rất ý nghĩa cho đến bây giờ. Mỗi người một công việc mà xã hội đặt để, bạn chỉ cần làm tốt công việc mà mình đã lựa chọn thì đã là một đóng góp rất giá trị cho đất nước.

Đôi khi mình hay nghĩ, nếu không có nông dân làm lúa, không có cô thợ may đầu chợ sửa đồ, không có các bác tài xe công nghệ...thì cuộc sống của cá nhân mình sẽ thế nào? Mình không thể làm công việc đó tốt bằng họ, và nếu mình phải làm thì sẽ không có nhiều thời gian để tập trung cho công việc hiện tại. Cho nên, mình luôn học cách nói lời cám ơn mỗi khi sử dụng bất cứ dịch vụ nào với một thái độ trân trọng nhất. Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, thì gian khổ sẽ dành phần ai? là một câu trong bài hát mà mình rất thích.

Nhiều người coi thường bác xe ôm vì nghĩ họ ít chữ, cục mịch...Nhưng không phải ai cũng thế. Hay ngược lại, không phải ai gắn mác bác sĩ cũng sẽ đều là người có y đức và giỏi chuyên môn. Mình có một người bạn xem việc chạy grab là một công việc part-time vì bạn ấy rất thích việc di chuyển ngoài đường, bên cạnh đó bạn ấy là một travel blogger và có trình độ thạc sĩ; Và không hiếm các vị trí chuyên môn cao ở một số cơ quan là do "quan hệ" mà có được chứ không phải do có năng lực. 

Cho nên có thể thấy, nhìn nhận nghề nào cao quý hơn nghề nào một phần có từ định kiến "dán nhãn" mà chúng ta đã có sẵn từ trước đó. Kiểu như từ bé, ai cũng đều có chung ước mơ hao hao như nhau là phải làm giáo viên, bác sĩ, kỹ sư, phi công...Cho nên, khi lớn lên không ít các bạn chọn sai nghề nghiệp, không đúng đam mê và năng lực của mình chỉ vì cái nhìn nghề cao quý sai lệch này.

Nếu bạn là lao động trí óc, bạn phải ăn học nhiều năm, thi cữ này nọ các kiểu thì khi ra trường bạn sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp hơn các bạn không học tiếp và làm các công việc chân tay; Hoặc có những bạn đi học nghành này vì cha mẹ, nhưng họ lại chọn nghề nghiệp khác vì đam mê, dù nó không "cao quý" như người đời nghĩ. Cho nên, bạn đừng tự cho mình cái quyền để xem nghề của ai đó "ít cao quý hơn nghề của mình".

Tóm lại, theo mình thì mỗi nghề nghiệp trong xã hội đều đáng được trân trọng, chỉ cần đó là một nghề chân chính và tạo ra thu nhập cho bản thân, và ít nhiều có giá trị với cộng đồng. Tất nhiên, có nghề nghiệp tạo giá trị cao, có nghề nghiệp tạo giá trị nhỏ bé, thầm lặng nhưng cũng không thể thiếu trong xã hội. 

Và theo mình, Nghề cao quý chỉ là một cách gọi tôn vinh một giá trị nào đó mà một người, một nhóm người đã làm rất tốt sứ mệnh nghề nghiệp của mình một cách không vụ lợi và mang giá trị to lớn cho cộng đồng. Nó không phải là một định nghĩa để phân biệt nghề nghiệp nào cao sang hay thấp hèn.

Quay lại câu chuyện của cô gái trên, nếu cô không bị đóng khung trong suy nghĩ về nghề nghiệp của bố mình thì vẫn có thể tự hào để khoe với mọi người rằng: Bố em ngày trước chỉ làm phụ hồ, rồi lên thợ chính, một tay nuôi mấy chị em của em ăn học đầy đủ và xinh đẹp như bây giờ đấy.

Trên đây là một số nội dung chính mà mình đã cùng nhau tìm hiểu về chủ đề Nghề nghiệp (Occupation) là gì? Nghề nào là nghề cao quý? Mặc dù đã cố gắng kiểm tra kỹ nội dung cung cấp, tuy nhiên vẫn có thể có những sai sót nhỏ ngoài mong muốn, bạn có thể để lại phản hồi hoặc câu hỏi vào comment bên dưới để mình ghi nhận và giải đáp cho các bạn nhé! Trân trọng!

Hãy ủng hộ tác giả bằng cách đăng ký kênh Youtube và Fanpage FB với từ khóa HRVN ACADEMY. Trân trọng

Post a Comment

Cám ơn phản hồi của bạn. Chúc bạn một ngày tốt lành và thường xuyên dành thời gian ghé thăm Blog mình nha!

Previous Post Next Post

Mua sách UY TÍN CHẤT LƯỢNG online với nhiều chương trình khuyến mãi GIẢM GIÁ HẤP DẪN. Hãy duy trì thói quen đọc sách bạn nhé! XEM CHI TIẾT.

Tại TIKI  |  Tại FAHASA