Khi đi phỏng vấn xin việc cũng vậy, Nhà tuyển dụng thường đưa ra một tình huống phỏng vấn căng thẳng để xem bạn có đủ bình tĩnh để xử lý nó hay không.
Chào mừng các bạn đang đến với series các bài học về Bí quyết tìm việc cho người chưa có kinh nghiệm của Blog Nghề Nghiệp. Tôi là Thành HR sẽ đồng hành cùng bạn trong khoá học này. Và chủ đề mà chúng ta cùng nhau tìm hiểu ngày hôm nay là Kỹ năng giao tiếp trong phỏng vấn xin việc.
Rất nhiều bạn trẻ khi đi phỏng vấn xin việc thường chia sẻ: Tôi muốn làm công việc chăm sóc khách hàng, telesales, bán hàng, tư vấn...để nâng cao kỹ năng giao tiếp. Vậy kỹ năng giao tiếp là gì và tại sao mình phải có kỹ năng này?
Kỹ năng giao tiếp là một khái niệm khá rộng, rất nhiều người đã thành công trong công việc, kinh doanh và cuộc sống nhờ kỹ năng này. Đồng thời, nắm được kỹ năng giao tiếp sẽ giúp bạn ứng dụng và dễ dàng có một buổi phỏng vấn xin việc thành công.
Để dễ hiểu, mình có thể cụ thể hóa kỹ năng giao tiếp bằng 4 phần cơ bản sau:
Kỹ năng lắng nghe
Theo nghĩa đen thì bạn phải nghe được giọng nói, âm điệu, ngữ điệu giọng địa phương của các vùng miền thì mới hiểu được họ muốn nói gì. Nghĩa rộng hơn, kỹ năng lắng nghe là bạn phải biết tập trung hoàn toàn để nghe người khác trình bày, không lơ đãng nhìn nơi khác rồi hỏi lại và không nắm được nội dung chính họ muốn nói là gì.
Đồng thời, nếu đối phương nói quá dài bằng một cách diễn đạt không có điểm nhấn, cứ lặp đi lặp lại không có lối thoát, thì bạn phải biết cách ngắt ngang một cách hợp lý mà không gây cảm giác khó chịu cho họ.
Kỹ năng đặt câu hỏi
Sau khi đã lắng nghe vấn đề dài lan man của họ, bạn sẽ phải dùng ít nhất số câu hỏi để lấy thêm thông tin và chốt lại vấn đề chính xác của họ là gì. Bạn phải có kỹ năng đặt câu hỏi thật logic, khoa học và dễ hiểu. Tùy theo người trình bày có trình độ như thế nào, bạn sẽ phải dùng câu hỏi phù hợp với trình độ của họ thì mới chốt được vấn đề.
Vì có rất nhiều người trò chuyện với nhau, nói rất dài, nói rất nhiều nhưng cuối cùng không hiểu ý của nhau vì một bên trình độ cao, một bên thì chỉ biết nói những gì họ nghĩ. Trong một số buổi phỏng vấn xin việc, nếu không may gặp người phỏng vấn thuộc type nói dài này thì kỹ năng đặt câu hỏi sẽ giúp bạn kiểm soát buổi phỏng vấn tốt hơn, thay vì họ là người phải làm điều này.
Kỹ năng giải quyết vấn đề
Khi đã nắm rõ vấn đề đang gặp phải của đối phương. Bằng trải nghiệm cuộc sống hoặc kinh nghiệm chuyên môn (có thể được đào tạo), bạn sẽ đưa ra phương án hoặc sự tư vấn hợp lý nhất. Lưu ý là phương án phải cô đọng, rõ ràng và dễ hiểu, không gây nhầm lẫn.
Rất nhiều người không có kỹ năng này, rất dễ bị dẫn dắt bởi người khác vì không đủ kiến thức chuyên môn để phân biệt được đúng sai. Trong phỏng vấn xin việc cũng vậy, khi được hỏi về các tình huống hoặc kinh nghiệm trong quá khứ thì bạn có thể vận dụng kỹ năng giải quyết vấn đề này để dễ dàng thuyết phục nhà tuyển dụng.
Kỹ năng làm chủ cảm xúc bản thân
Đây là một trong những kỹ năng quan trọng nhất trọng Kỹ năng giao tiếp. Khi lắng nghe câu chuyện của họ, nếu bạn nhận thấy họ đang rất giận dữ, bức xúc, nó thể hiện qua một thái độ và góc nhìn rất tiêu cực, lớn tiếng, thậm chí cả chửi tục...thì bạn rất dễ bị cuốn theo dòng cảm xúc đó và mất bình tĩnh theo đối phương.
Và nếu như vậy, bạn sẽ khó giữ được bình tĩnh và không thể đưa ra được những tư vấn hoặc hỗ trợ chính xác. Và bạn cũng sẽ gặp sai lầm như họ. Đây là kỹ năng rất khó học và cần rất nhiều thời gian để rèn luyện được. "Một sự nhịn, chín sự lành" là một câu nói không bao giờ sai từ xưa đến nay. Cho nên, phải thực sự đủ bình tĩnh thì mới có thể suy nghĩ thấu đáo và đưa ra được các lời nói và hành động chính xác.
Áp dụng kỹ năng giao tiếp để có buổi phỏng vấn xin việc thành công
Nếu bạn có cá tính quá mạnh mà thiếu kỹ năng giao tiếp (tức là không biết lắng nghe, đặt câu hỏi để giải quyết vấn đề và làm chủ cảm xúc) thì rất khó để hòa nhập vào một tập thể. Cho nên, dù bạn rất giỏi nhưng bạn không phù hợp văn hóa công ty vẫn có thể không được chọn là điều hiển nhiên.
Ngoài ra, kỹ năng giao tiếp tốt giúp bạn giải quyết các câu hỏi phỏng vấn một cách lưu loát, trôi chảy, logic nên rất dễ ghi điểm với nhà tuyển dụng. Vậy thì nói kỹ năng giao tiếp quyết định hơn 30% sự thành công của buổi phỏng vấn cũng không có gì sai đúng không?
Cho nên, bạn hãy rèn luyện kỹ năng giao tiếp bằng cách nhớ lại các tình huống đã xảy ra trong công việc và cuộc sống của mình, cách mình đã hành xử và những điều hối tiếc vì hành xử sai lầm. Từ đó, bạn sẽ dễ rút ra được kinh nghiệm để không phạm lại sai lầm cũ.
Có câu nói rất hay là: Lời đã nói ra không bao giờ rút lại được; Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Hãy luôn nâng cao kỹ năng giao tiếp để có thêm nhiều thuận lợi trong công việc và cuộc sống bạn nhé! Chúc bạn thành công.
Hãy ủng hộ tác giả bằng cách đăng ký kênh Youtube và Fanpage FB với từ khóa HRVN ACADEMY. Trân trọng